LA BÀN PHONG THỦY – LỜI NÓI ĐẦU

Posted by

LỜI NÓI ĐẦU

 

La bàn, hay theo cách gọi của người xưa còn có những tên khác như La kinh, La kính, Kinh bàn, La kinh bàn, Tí Ngọ bàn, Châm bàn, Phong thủy la bàn …, là công cụ quan trọng không thể thiếu của các thầy phong thủy ở Trung Quốc thời cổ đại.

 

Có rất nhiều loại La bàn, nội dung vô cùng phong phú nhưng cũng rất phức tạp, vận dụng những nguyên lý huyền ảo, từ ngũ hành, bát quái, can chi giáp tí, tiết khí phương vị, đến thiên văn lịch pháp, gần như bao trùm tất cả mọi lĩnh vực. Sự phức tạp và huyền diệu của những nguyên lý đó khiến cho người ta thường có cảm giác rất thần bí, khôn lường đối với la bàn.

 

Một vài năm trở lại đây, những nghiên cứu về phong thủy bắt đầu được coi trọng nhưng những thành quả đạt được còn khá ít ỏi. Có 3 nguyên nhân chính: thứ nhất là về vấn đề tư tưởng, cho rằng không nên đi sâu nghiên cứu hoặc chưa đúng thời điểm để nghiên cứu; thứ hai là sự huyền diệu của la bàn cũng gây nên những khó khăn trong việc nghiên cứu sâu rộng về ĩnh vực này; thứ ba là việc nghiên cứu tuy cũng đạt được  những kết quả nhất định, nhưng không được hoặc không muốn công khai. Chính vì những nguyên nhân đó khiến người ta càng khó hiểu được thực chất vấn đề cũng như khó nắm bắt được những kiến thức thuộc về lĩnh vực này.

 

Rốt cuộc la bàn là gì? Nội dung của nó có tác dụng như thế nào ? Có cơ sở khoa học hay không ? Cùng với sự phát triển của môn khoa học về phong thủy, những vấn đề này tự nhiên ngày càng được mọi người quan tâm. Những năm gần đây, một số người đã bắt đầu cho xuất bản những tài liệu thành quả nghiên cứu có chiều sâu về la bàn nhưng trong số những thành quả nghiên cứu đó có những quan điểm phân tích chưa thật sự chính xác , cũng có những tài liệu quá thâm sâu, khó hiểu, điều này quả là đáng tiếc.

 

Tác giả của cuốn sách này cho rằng, bất luận thế nào thì la bàn cũng vẫn là một sự vật tồn tại trong lịch sử, rất đáng để đầu tư thời gian, tâm sức và vận dụng những quan điểm, phương pháp chính xác để tìm hiểu, nghiên cứu. Tục ngữ có câu : “Bất nhập hổ huyệt, yên đắc hổ tử ” (không vào hang cọp làm sao bắt được cọp), nếu không bỏ công nghiên cứu mà đã đưa ra những nhận định kiểu như cái này không đúng, cái kia rất tốt … là rất không khoa học. Hay nói cách khác, cho dù là cổ đại hay hiện đại; là khoa học hay mê tín; là tốt hay không tốt cũng đều cần phải được đi sâu tìm hiểu, khám phá, nếu không sẽ là võ đoán khi nhìn nhận sự vật, sự việc. Không nghiên cứu thì làm sao biết được đâu là khoa học và đâu là mê tín ? Tác giả muốn khẳng định rằng, cuốn sách về la bàn này là một nghiên cứu khoa học, chứ không khẳng định rằng đối tượng được nghiên cứu nhất định là khoa học.

 

Thông qua một số nghiên cứu nhất định về la bàn, chúng ta có thể nhận thức được rằng, ngoài những tác dụng như dùng vào việc định vị chỉ hướng của kim từ tính, ghi chép một số những kiến thức về lịch sử, thời tiết, địa lý, thiên văn cổ đại ra, phần lớn những nội dung trên la bàn đều không có giá trị ứng dụng cho dù những nội dung đó bao quát khá nhiều những khái niệm triết học cổ đại Trung Quốc. Điều đó cũng có nghĩa, những nội dung trên mặt la bàn là những nội dung về văn hóa, triết học, lịch sử, nhưng qua bàn tay chế tác, gia công của các nhà phong thủy, phương pháp sử dụng la bàn cũng như những kết luận cát, hung mà nó đạt được đã trở nên hoang đường, không tưởng. Những thứ được gọi là kiến thức về chiêm tinh học và mệnh lý học bao hàm trong la bàn càng khiến cho tính khoa học của những chiếc la bàn thời kỳ đầu như bị nhấn chìm trong sự hoang đường, không tưởng. Cần phải chỉ ra rằng, la bàn phong thủy thực sự là một công cụ cụ thể để thực hiện những thuật phong thủy thông thiên, thông địa của Trung Quốc thời cổ đại.

 

Tất nhiên, quá trình nghiên cứu cũng phát hiện ra một số những vấn đề có giá trị khác như việc phát minh ra kim chỉ nam từ tính của Trung Quốc có thể được bắt đầu từ thời nhà Đường ; kim chỉ nam do Trung Quốc phát minh có liên quan đến vị trí địa lí của Trung Quốc ; hay la bàn được ứng dụng khá nhiều trong định hướng kiến trúc của thời kỳ cuối xã hội phong kiến. Những phát hiện này có ý nghĩa nhất định trong việc tiến hành những nghiên cứu thuộc những lĩnh vực khác.

 

La bàn phong thủy có rất nhiều chủng loại, cuốn sách này chủ yếu lấy loại Huy bàn (la bàn do xưởng sản xuất ở tỉnh An Huy chế tác) làm ví dụ để tiến hành nghiên cứu, thảo luận một cách khá chi tiết, cố gắng để đưa ra được những kết luận chính xác về diện mạo thực sự của loại la bàn này. Cuốn sách này là một thành quả nghiên cứu mang tính giai đoạn, hơn nữa do trình độ của tác giả còn hạn chế, nên sẽ không tránh khỏi những nhầm lẫn, kính mong sự góp ý, phê bình và chỉnh sửa của quý độc giả.

 

TRÌNH KIẾN QUÂN